Những năm gần đây, làn sóng chọn Úc và Canada để du học đang tăng với tốc độ đáng chú ý. Ngoài chất lượng giáo dục thì chính sách cho du học sinh được ở lại làm việc 2 năm sau khi tốt nghiệp…
Người Việt đầu tư cho con cái học hành được xem trọng. Xưa vì danh tiếng thầy đồ mà xa ngàn dặm cũng quảy gánh mang con lại giao phó cho thầy. Nay, cứ nhìn các cử nhân, kỹ sư học nước ngoài về được các công ty, tập đoàn quốc tế chào đón, đủ oách. Chính vì vậy trào lưu du học ngày càng phát triển. Thông tin du học thì nhan nhản từ trên mạng internet, các triển lãm giáo dục, đến các công ty tư vấn… Nói chung là đầy đủ một cách hỗn loạn. Tôi đã lần lượt vượt qua từng chặng đường để đưa cậu con trai đi tìm tấm bằng quốc tế đầy sức quyến rũ.
Chi phí đầu tư giáo dục kiếm bằng quốc tế cho con không thể dưới 1 tỷ đồng mỗi năm.
Xem bài viết : trường đại học tốt nhất thế giới 2017
Môi trường nào cho con?
Theo thông tin từ một công ty nghiên cứu thị trường giáo dục thì mỗi năm nước Mỹ đón nhận khoảng 1 triệu du học sinh; khoảng 500.000 du học sinh đến xứ sở sương mù Anh quốc; các nước có số du học sinh đến với số lượng trên 200.000 người là Trung Quốc (397.635 người năm 2016), Pháp (309.642 người năm 2016), Úc (292.352 du học sinh 2016), Canada (263.855 học sinh năm 2016), Nga, Đức…
Tại triển lãm có đầy đủ thông tin
Giấc mơ của con tôi là học chuyên ngành Cơ – Điện tử. Với hiểu biết của mình, những nước có uy tín đào tạo ngành này là Đức, Mỹ, Thụy Điển, Canada và Úc… Đức và Thụy Điển được tôi loại ngay từ đầu bởi khó khăn về ngôn ngữ. Mỹ, nơi được nhiều người lựa chọn, nhưng tôi biết, con mình không thật xuất sắc, nếu không vượt qua được các cuộc thi SAT, ACT… thì việc được các trường uy tín nhận là điều không thể.
Những năm gần đây, làn sóng chọn Úc và Canada để du học đang tăng với tốc độ đáng chú ý. Ngoài chất lượng giáo dục thì chính sách cho du học sinh được ở lại làm việc 2 năm sau khi tốt nghiệp, một cơ hội có kinh nghiệm lao động trong môi trường quốc tế cũng như… gỡ gạc lại chút vốn đầu tư cho gia đình, quả là hấp dẫn.
Tôi cũng được biết, không ít người chọn 2 nước này còn vì tỷ lệ được định cư ở lại nếu ngành học nằm trong danh mục nhu cầu lao động của nước họ. Tuy nhiên, cũng vì yếu tố này mà không ít du học sinh dở khóc dở mếu, tôi sẽ kể vài trường hợp điển hình sau.
Úc và Canada có điều kiện nhập học, mức học phí cũng như phí sinh hoạt gần tương tự. Canada quá lạnh và quá xa nên Úc đã trở thành lựa chọn của gia đình tôi. Hơn nữa, Úc là nước luôn tạo điều kiện cho học sinh từ 16 tuổi trở lên được làm thêm kiếm tiền tiêu vặt. Nghe nói, nhiều du học sinh sau 1 – 2 năm đã có thể tự trang trải sinh hoạt phí, thậm chí, cả tiền học phí cho mình. Và quả thật, tôi đã gặp được những sinh viên như vậy.
Bao nhiêu tiền thì đủ ?
Những trường có ngành đào tại kỹ sư uy tín ở Úc khá nhiều nhưng con tôi chọn UTS (Đại học Kỹ thuật Sydney) trường nổi tiếng tại Úc tương tự như ĐH Bách Khoa tại Viêt Nam.
Những tiêu chuẩn để học sinh đủ điều kiện du học là kết quả học tập 2 năm trước khi du học phải đạt loại khá trở lên (điểm bình quân tối thiểu 6,5), trình độ IELTS tiếng Anh tối thiểu tùy yêu cầu mỗi nước. Với Úc và Canada thì tối thiểu IELTS 4.5 cho bậc trung học, IELTS 5.5 cho bậc dự bị đại học và IELTS 6.5 cho đại học, IELTS 7.0 cho cao học; và cuối cùng, nguồn tài chính gia đình đủ cung cấp cho suốt khóa học.
Về ngôn ngữ, tốt nhất du học sinh phải đạt IELTS tối thiểu 6.5. Cô bạn tôi đã khóc ra nước mắt khi biết con cô (IELTS đạt 5.5) phải học thêm khóa 5 tuần tiếng Anh với mức học phí 495 đô la Úc/1 tuần (gần 9 triệu đồng/tuần), tức 45 triệu đồng/5 tuần. Trong khi chi phí luyện thi IELTS từ 5.5 lên 6.5 tại Việt Nam có mức khoảng từ 9 – 12 triệu đồng/khóa 10 tuần. May mắn thay, con tôi vừa đủ 6.5 IELTS, không phải học thêm tiếng Anh ( Xem Toeic là gì )
Học phí là yếu tố luôn được các trường công khai trên trang thông tin của trường. Tùy theo ngành học, trường học mà có mức học phí khác nhau. Cũng là du học sinh UTS nhưng nếu học ngành kế toán, marketing, kinh doanh… thì học phí khoảng 400 triệu đồng/năm. Ngành kỹ sư, khoa học, sức khỏe… học phí sẽ cao hơn với mức từ 600 – 740 triệu đồng/năm. Phí sinh hoạt khoảng 20 triệu đồng/tháng. Như vậy, chi phí đầu tư giáo dục kiếm bằng quốc tế cho con không thể dưới 1 tỷ đồng mỗi năm.
Điều gì khó nhất trong thủ tục du học ?
Một trong những vấn đề nhiều người gặp phải trong thủ tục cho con du học là chứng minh tài chính. Với mức chi phí như trên, theo tư vấn của bạn bè đã có con du học, để chứng minh mình có tiền và tiền khá đông, tôi bán căn hộ đang cho thuê mỗi tháng được hơn 10 triệu đồng, cho tất vào sổ tiết kiệm.
Tuy nhiên, tôi lại thiếu thông tin về nguyên tắc chứng minh tài chính nên đã không lưu giữ thỏa thuận bán nhà và biên nhận tiền nhà (cứ nghĩ xong thủ tục, mớ giấy ấy chỉ có người mua cần chứ mình có còn làm chủ nhà đó nữa đâu mà giữ). Không có giấy tờ chứng minh nguồn tiền tỷ trong sổ tiết kiệm là… sạch, tôi bị công ty tư vấn từ chối.
Nghiệt ngã là Úc không nhận hồ sơ xin học trực tiếp như Mỹ, chỉ có thể phải làm theo yêu cầu của công ty tư vấn đại diện cho trường. Sau khi trình bày hết các hoàn cảnh liên quan, ngoài sao lục các sao kê ngân hàng về tiền cho thuê nhà trước khi bán, tôi phải nhờ bảo lãnh của gia đình với căn nhà đang cho thuê, như một minh chứng nguồn tiền đã, đang và sẽ ổn định, minh bạch, hồ sơ con tôi mới được chấp thuận.
Điều nhiều gia đình cho con du học đắn đo là, để con tự mình đến đất nước xa lạ nhập học hay cha hoặc mẹ cùng đưa đi. Chi phí tốn kém cho một chuyến đi là điều rất nhiều người cân nhắc, từ tiền vé máy bay, tiền khách sạn nếu không có nhà của họ hàng thân thích, đến nhiều khoản chi phí khác. Tôi bắt đầu lên mạng internet tìm các thông tin và tính toán chi phí cho một chuyến đi. Và, có rất nhiều bất ngờ dẫn đến quyết định, đi cùng con để biết chính xác những gì đang chờ con mình trong những năm sắp tới.
Nguồn : Báo Nông Nghiệp – Những toan tính một tấm bằng đại học khi cho con đi du học