Giá trị thực sự của một tấm bằng đại học

Giá trị thực sự của một tấm bằng đại học

Tôi còn nhớ khi đang học phổ thông trung học, khoảng từ năm 2002 trở về trước, nói đến thi và đậu đại học quả là mơ ước lớn lao đối với học sinh. Bởi, muốn đậu đại học phải học thật giỏi, gia đình có điều kiện mới cho con cái học được đại học.

Nhiều anh chị lớp trước tuy học rất giỏi ở địa phương nhưng khi thi đại học thì cũng rớt. Kiên trì năm sau lại thi tiếp, nhiều khi phải 2, 3 năm mới đậu được đại học. Khi học ra trường đều có việc làm ổn định, lương cao và rất nhiều người thành đạt.

Tôi cũng không phải ngoại lệ, khi thi vào Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh cũng miệt mài kinh sử, học rất nhiều, tốn nhiều chi phí cho việc học hành, khi ra trường thì mới có công việc ổn định để đi làm.

Nhưng ngày nay, việc thi đậu đại học không còn là chuyện hiếm và không có gì là to tát như lúc xưa tôi được biết. Ngoại trừ các trường danh tiếng, nơi mà dành cho những người học giỏi, thi đạt điểm cao, xuất sắc mới có thể vào học để được đào tạo những kỹ sư, bác sĩ, cử nhân ngành nghề chưa kể là thạc sĩ…có chất lượng đào tạo thì rất cao.

Nhưng cũng có những trường đại học thi điểm rất thấp nhưng cũng báo trúng tuyển, hay có trường nhận kết quả những thí sinh không trúng tuyển của những trường khác để báo trúng tuyển cho trường mình… Đã thế nhiều nơi có tổ chức đại học từ xa, tại chức cũng có tham vọng kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xóa bỏ cụm từ “từ xa”, “ tại chức ” để tránh phân biệt.

Giá trị thực sự của tấm bằng đại học
Giá trị thực sự của tấm bằng đại học

Nếu so sánh bằng đại học trước kia, thì bằng đại học ngày nay học thật dễ dàng, nó không khó khăn như trước kia nữa. Củng là một ngành Luật như tôi nhưng đồng nghiệp lại học trường khác, từ xa, tại chức, dân lập, công lập…nói chung vẫn là ngành luật được tuyển dụng vào làm, lương thì hưởng cùng như tôi, các chế độ phục cấp thì cũng ngang nhau, không có sự phân biệt loại hình đào tạo nào cả.

Ở đây không đặt khía cạnh năng lực làm việc, công bằng hay không công bằng, nhưng bản thân cảm thấy hơi thiệt thòi vì tôi cũng học đại học nhưng sao thời đó, khi đậu đại học thì xóm làng, dòng họ, nhà trường vinh danh nhưng nay sự vinh danh cảm thấy ít đi vì có quá nhiều trường đào tạo, chất lượng không đảm bảo ngoài những trường công lập có lịch sử hình thành, có đội ngũ giảng viên cực kỳ ưu tú thì mới trụ vững.

Tôi cũng không hiểu vì sao cho thành lập quá nhiều trường đại học khi mà điều kiện giảng dạy, giáo viên không có cũng thành lập trường, chất lượng đầu vào thấp thì làm sao đào tạo ra những cử nhân có chất lượng.

Tôi cũng còn nhớ, khi trước các anh chị thi không đậu đại học thì ở nhà làm nông, đi học nghề, hoặc làm công nhân vì không có khả năng học đại học. Còn hôm nay, khi thi đại học điểm thấp thì cũng được học đại học. Nếu như trước kia khi tốt nghiệp đại học ra trường các cơ quan, doanh nghiệp nhận ngay, thì liệu hôm nay chất lượng đạo tạo đại học như vậy thì các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào nhận hay không? Và thời nay không ít sinh viên tốt nghiệp đại học thì không có việc đành học lại nghề mới.

Trong giáo dục đại học hôm nay so với trước kia sao mà nó khác quá vậy, phải chăng học cho có bằng đại học, có trí thức, học cho vui… Do vậy, cần thiết phải cơ cấu hệ thống lại giáo dục đại học của chúng ta hiện nay, khi tuyển sinh viên vào học thì những người có trách nhiệm cũng phải tính đến, cũng phải lo cho các em ra trường để làm gì, đừng bỏ mặc sinh viên bơ vơ sau khi tốt nghiệp. Quay lại chuyện học đại học và khi đi làm việc của cá nhân tôi, đôi lúc tôi cảm thấy mình hơi thiệt thòi!

Nguồn : Đỗ Văn Nhân Trần Hưng Đạo, TP Kon Tum – Báo Mới